Quy định mới về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN có hiệu lực từ 01/7/2025

24/03/2025 03:14 PM


Từ 01/7/2025, các quy định về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN và xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) số 41/2024/QH15 sẽ bắt đầu có hiệu lực. Các đơn vị vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Một trong những điểm mới của Luật BHXH năm 2024 là việc phân tách rõ ràng giữa hành vi chậm đóng và trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN. Trước đây, do chưa có sự phân định cụ thể, cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý các vi phạm liên quan. Tuy nhiên, với Luật mới, các hành vi này được quy định chi tiết tại các Điều 38, 39, 40 và 41, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xử lý vi phạm.

(Ảnh: Thanh tra BHXH, BHYT, BHTN tại đơn vị sử dụng lao động)

Hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN và biện pháp xử lý (Quy định tại Điều 38, Điều 40).

Hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN

Biện pháp xử lý

Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ số tiền phải đóng theo hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp đã đăng ký kể từ sau ngày đóng bảo hiểm xã hội chậm nhất quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật này hoặc kể từ sau ngày đóng bảo hiểm thất nghiệp chậm nhất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, trừ trường hợp quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 39 của Luật này;

2. Không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này;

3. Không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;

4. Thuộc trường hợp không bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này.

1. Bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng và số ngày chậm đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

2. Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

3. Không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều này

Hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN và biện pháp xử lý (Quy định tại Điều 39, Điều 41).

Hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN

Biện pháp xử lý

1. Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây để không đóng hoặc đóng không đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động:

a) Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này mà người sử dụng lao động không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;

b) Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp mà người sử dụng lao động không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp;

c) Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật này;

d) Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp thấp hơn quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;

đ) Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm xã hội bắt buộc sau 60 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật này và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định tại Điều 35 của Luật này;

e) Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm thất nghiệp sau 60 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm thất nghiệp chậm nhất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định tại Điều 35 của Luật này;

g) Các trường hợp khác bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Chính phủ.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quy định các trường hợp thuộc khoản 1 Điều này nhưng có lý do chính đáng thì không bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

1. Bắt buộc đóng đủ số tiền trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trốn đóng và số ngày trốn đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

2. Xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

3. Không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều này

Quy định xử phạt vi phạm hành chính

Hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN được quy định tại Điều 39, Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.  Theo đó, người sử dụng lao động có thể bị phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với các hành vi như chậm đóng, đóng không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN mà không phải là trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHTN của người lao động. Đối với hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng.

Bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động

Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, Luật BHXH năm 2024 đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động theo quy định của pháp luật nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động (Khoản 8 Điều 13).

Những quy định mới này nhằm bảo đảm hơn nữa quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, góp phần giảm tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN./.

Phạm Thu Hồng – Phòng TTKT